Đây là bài viết không phải để đánh giá nền giáo dục nước nhà tốt hay không, có phù hợp với thời đại hay không, hay đại loại là tiên tiến hay không. Mà bài viết này chỉ là cách nhìn của bản thân mình sau 16 năm (tính cả 4 năm đại học) học tập tại nền giáo dục nước nhà.
Lần đầu tiên tới ra ngoài nước, sang học tập, làm việc và tiếp xúc với nền giáo dục ở Châu Âu, cụ thể là Ba Lan. Thực sự nó cho mình được mở mang đầu óc và học hỏi được rất nhiều điều ở đây. Đây là một chương trình do tổ chức phi chính phủ thực hiện, mình chưa bao giờ thấy cách giáo dục trẻ em ở đâu lại hay như thế này, có thể chỗ khác có nhiều cái hay hơn, nhưng hiện tại mình đang trải nghiệm một cách giáo dục trẻ em tốt nhất. Mình cũng từng có tham gia một số hoạt động giáo dục của phi chính phủ ở Việt Nam, có một số điểm nhấn chuyển mình, nhưng chưa thực sự hiệu quả và làm cho học sinh thay đổi cách suy nghĩ về việc học hơn. Quay sang nền giáo dục ở Ba Lan, có thể ở lớp như nào thì mình không biết, học sinh có thể hứng thú học hay không thì mình không quan tâm. Nhưng thực sự, ở đây họ đầu tư cho giáo dục, các trường kết hợp với một số tổ chức phi chính phủ, cho học sinh của họ học và trải nghiệm tại một môi trường thực tế và đa văn hóa. Và học sinh ở đây họ học như thế nào?
Bản thân lần đầu tiếp xúc với cách truyền đạt này cũng thấy làm lạ, nhưng lại rất hứng khởi và thấy khá là thú vị, mình có thể cóp nhặt một ít, sau này có thể áp dụng và ứng dụng cho lớp học của mình (Để nói thay đổi cả 1 nền giáo dục bền vừng hàng chục thế kỉ qua thì không hề dễ, không phải do 1 người, 1 trường mà phải là tất cả mọi người, tất cả toàn hệ thống giáo dục).
Có một số điều bản thân nhận ra rất rõ ở ngay tại học sinh và nền giáo dục nơi đây như sau:
Thứ nhất, đa số học sinh Ba Lan cực kì tự tin, năng động và chủ động. Họ tự tin thể hiện cá tính bản lĩnh của họ, tự tin đưa ra ý kiến của mình, tự tin khi làm thứ gì đó trước đám đông, tự tin không sợ sai, có thể tự tin trong mọi tình huống, nhưng nhìn lại đối với bản thân mình thì sao, 22 tuổi, từng học 16 năm học, nhưng có những lúc vẫn cảm thấy tự ti và ngại nói trước đám đông trong những lần gặp đầu tiên, phải mất một thời gian làm quen rồi mới cất cao được tiếng nói và tự tin để giao tiếp và “trưng” bản thân mình ra. Chúng vô cùng năng động và chủ động, ví như có gì không biết thì sẽ chạy lên hỏi ngay và không hề ngại suy nghĩ là câu hỏi đó có hợp lí hay không? hay là có ngu ngốc hay không? Còn ở nước mình, có mấy học sinh sẽ tự mình đi hỏi hay giơ tay lên để hỏi vấn đề mà bản thân cảm thấy chưa rõ, có thể sẽ sợ giáo viên hỏi lại thứ gì đó bản thân không biết rồi ngại hỏi nên thôi.
|
"Học sinh đang tự giới thiệu mình trước mọi người" |
Thứ hai, học sinh ở đây được học Tiếng Anh rất nhiều, họ xem Tiếng Anh là một phần, là chìa khóa quan trọng trong giao tiếp của thời hội nhập. Họ tạo ra sân chơi, môi trường và cách học Tiếng Anh rất sáng tạo (Cho học sinh tự tìm hiểu, làm việc theo nhóm, thảo luận, chơi trò chơi liên quan, nghe nhạc, kể chuyện, đóng phim…) tất cả đều bằng Tiếng Anh, học sinh ở đây họ có quyền thể hiện bản thân mình tốt nhất có thể. Có một số trẻ em ở đây, Tiếng Anh có khi tốt hơn ngay cả mình và một số tình nguyện viên khác mặc dù chúng chỉ mới 14-15 tuổi. Như học sinh ở chỗ mình, có thể chừng ấy tuổi, vốn từ có, ngữ pháp tốt, nhưng vấn đề giao tiếp bằng Tiếng Anh thì sẽ ra sao? Vì thế, trong thời buổi hội nhập, học và nói Tiếng Anh nhiều chinh là cách tốt nhất, cách tối ưu nhất để “giao tiếp” với thế giới bên ngoài.
|
Bức ảnh vẽ mình trong một hoạt động |
Thứ ba, cách giáo dục ở đây vô cùng mở và hữu ích, áp dụng ngay vào cuộc sống hằng ngày, họ còn áp dụng cả cách dạy trẻ em về cách kiếm sống, kinh tế… Học sinh ở đây luôn có chủ đề, tự nghĩ và làm việc theo nhóm để vạch ra ý tưởng của họ, nêu lên suy nghĩ của họ, có thể vẫn theo sách nhưng theo hướng mở hơn nhiều, như thế thì chúng sẽ ít gò bó hơn và sẽ tự tin nêu ra ý tưởng của bản thân mình. Ở đây họ dạy trẻ em về kinh tế ngay từ bé, chứ không phải như ở VN mình, học về kinh tế chỉ có lên đại học rồi mới học được và có cơ hội học. Học về kinh tế nhưng rất thiết thực, như trong chương trình mình tham gia, họ cho học sinh thảo luận về chủ đề “Commercial ads” - Cho học sinh từng loại sản phẩm, học sinh tự tìm hiểu cách làm sao quảng bá sản phẩm đó thu hút và làm nổi bật sản phẩm nhất, và tất nhiên là họ phải đóng kịch, diễn giống như một MV quảng cáo. Đó là cách làm chúng chủ động, tự tin hơn và biết cách làm việc nhóm cùng nhau. Giống như chiều nay, có 1 hoạt động làm mình thực sự bất ngờ về trẻ em và nền giáo dục ở đây, chúng tôi cho học sinh 1 nhiệm vụ làm 1 bộ phim các thể loại trong vòng 30p, không ngờ sau 30p chúng đã hoàn thành 8 bộ phim với chủ đề, nội dung và cách thức khác nhau với hiệu ứng, âm thanh, ánh sáng, cắt ghép một cách đáng nể phục. Nếu, nêu trong trường hợp này, đối với 1 nhóm sinh viên đại học Việt Nam, liệu có nhiều sinh viên có thể làm được việc này trong vòng 30p không để hoàn thành 1 clip hoàn chỉnh từ 3-5p. Đến đây thì mình nghĩ, do họ cho học sinh tiếp xúc với máy tính, điện thoại nhiều nên chúng biết, nhưng nghĩ lại Việt Nam mình về vấn đề này đâu có thua kém, học sinh cấp 2 đã dùng mạng, máy tính, điện thoại rất rành rồi. Nhưng thường dùng để làm gì mới là điều để đáng nói?
Có 1 điểm mà mình có dò xét các bạn học sinh ở đây đó là thính thoảng chúng cũng cảm thấy buồn ngủ khi ngồi trên lớp, nhưng các hoạt động khác xen lẫn thì làm chúng cảm thấy đỡ chán hơn, giống như là các hoạt động ngoại khóa như chúng đang tham gia, các em có thể thoát khỏi máy tính, gia đình, các con chữ phải nhớ, các con số phải tính và tự học và thu thập theo những gì mình biết,nói đến đây hi vọng rằng giáo giục Việt Nam nên có nhiều hoạt động ngoại khóa như thế này để tăng khả năng tự tìm hiểu và chủ động trong việc học hơn đối với học sinh.
Thứ 4 nói về giáo viên, giáo viên ở đây đối với con mắt mình “vô cùng cực kì thân thiện và gần gũi với học sinh”, có bao giờ bạn thấy giáo viên ở Việt Nam ở trường cấp 1-2-3 cùng nhau chơi 1 trò chơi như ném bóng, hay chơi đùa cùng nhau chưa? Thực sự, dù ở VN bạn có thân và quý và thân với 1 giáo viên cỡ nào đi nữa, thì bạn cũng vẫn giữ một khoảng cách rất an toàn và “vô cùng” kính trọng, không bao giờ có chuyện chơi hay nói đùa theo kiểu bạn bè với nhau. Nhưng ở đây, ngay tại Ba Lan, mình đã tận mắt chứng kiến điều đó đấy. Giáo viên với học sinh cùng đuổi nhau quanh sân, ném tuyết nhau, ném một cách thật sự như những người bạn ấy, rồi cô nhảy cùng học sinh, làm trò với học sinh, nhưng miễn là làm những việc tốt cho chúng là được thì giáo viên sẵn sàng tham gia. Có giáo viên đã già rồi, vẫn chơi trò đuổi bắt và rượt tuyết cùng học sinh nữa. Như thế chắc hẳn khi chia sẽ về khó khăn hay cuộc sống nó sẽ dễ dàng hơn.
Chắc hẳn sẽ có nhiều điều mới mẻ mà mình chưa nhận ra được, nhưng rồi mình sẽ tìm hiểu dần và cập nhật thêm. Hi vọng các bạn sẽ tìm được một số điều khác biệt và áp dụng cho em mình, cháu mình có thể là học sinh của mình.