Sunday, January 17, 2016

Nói về vấn đề giáo dục (2)

Euroweek team 2
Cứ mỗi lần Euroweek kết thúc thì mình cứ lại nhận ra điểm mới hơn nữa về giáo dục của nước này, có một số điểm khá khâm phục, nhưng cũng có một số điểm quá mới lạ, không biết nó tốt hay không nữa.

The boy want to become recorder.
Điều bất ngờ nhất là từ 1 câu chuyện nhỏ với 1 bé 15 tuổi (nói là bé thôi nhưng nó lớn hơn mình). Chú bé mới 15 tuổi, nhưng đã 6 năm với công việc ghi hình cùng chiếc camera, có 1 studio nhỏ cùng mấy người bạn, cậu làm những clip khá chất lượng và đẹp (https://www.youtube.com/watch?v=Ul3ODw4v7gs link do cu bé làm), và câu cuối chôt lại "đó là đam mê, là công việc tương lai của em. Lúc đấy mình nghĩ là do nhà có điều kiện, nên nó mới được cơ hội như thế, đến với Việt Nam mình thì có muốn cũng chịu. Nhưng nghĩ lại, Việt Nam mình giờ cũng nhà giàu đến lắm, khả năng mua 1 chiếc camera cho con cũng đâu phải là chuyện khó. Nhưng vấn đề là với học sinh cấp 2 thì mình chưa bao giờ gặp được trường hợp như vậy.


Bản thân mình khá tò mò và thắc mắc, liệu chỉ có mỗi đứa trẻ này nổi bật như vậy hay còn nhiều nữa, vậy là mình bắt đầu lần mò hỏi han các em về công việc sau này (công việc luôn chứ ko phải là ước mơ nữa). Có 1 em học sinh lớp 9 "Em đang học và nghiên cứu về nghề bác sĩ, và em sẽ theo nó vì em rất thích). Còn em khác thì em sẽ theo nghề âm nhạc, vì thế mà em đang đăng kí mấy chương trình học thêm âm nhạc ở bên ngoài đây. Còn có em thì học vẽ, học nhảy nên rất thích theo học từ khi còn nhỏ. Vì thế, mình mới đặt một câu hỏi mà bản thân mình rất băn khoăn về giáo dục ở đây. Tại sao họ lại có thể dạy con mình giỏi đến thế, còn bé đã biết bản thân mình thích gì, và muốn gì rồi, lại còn có định hướng rất rõ ràng cho tương lai mình nữa chứ. Đến bản thân mình, mà mình chắc chắn là nhiều bạn khác cùng tuổi với mình, giờ mà hỏi sở thích thực sự của mày là gì? giờ mày ra trường rồi, cụ thể mày muốn làm là gì? À há, câu trả lời thì sao, chắc đa số bảo là không rõ, hoặc không biết, chỉ có một số ít là nói lờ mờ về sở thích của mình, mà một số hiếm thể hiện được cụ thể là mình thích cái gì. Và mình cũng đang muốn đặt một câu hỏi là liệu rằng đến bao giờ thì giáo dục Việt Nam mới có thể tạo nên được kì tích như vậy?
"Một trong 2 giáo viên kể chuyện về việc giảng dạy"
Nhưng để đổi lại được một số điểm tuyệt vời như vậy thì tất nhiên phải có sự đánh đổi gì đó. và sự đánh đổi ở đây đó chính là nhà trường, hiệu trưởng và giáo viên. Trong chuyến đi Trip cùng ngôi trường này, có 2 giáo viên chia sẻ rất nhiều về công việc của họ. Họ nói thẳng là công việc giảng dạy ở đây vô cùng áp lực. Áp lực không đến từ bọn trẻ mà áp lực đến từ 2 phía chính: Nhà trường và phụ huynh, họ bảo phụ huynh ở đây yêu cầu cực kì cao, cao đến mức nhiều lúc họ nghĩ họ chính là nô lệ của chính những người đó. Vì thế mà bên trên yêu cầu xuống cũng rất cao, bắt buộc phải làm những việc mà họ không có quyền phải từ chối bất cứ trường hợp nào. Ví dụ như có 1 câu chuyện thế này: Thường đến sáng thứ 2 học sinh sẽ phải tới nhà thờ để cầu nguyện, vì học sinh toàn là thiên chúa giáo, còn giáo viên lại không theo, họ đến đó cũng chẳng để làm gì, nhưng bắt buộc họ phải đi, nghe kể có mấy người từ chối thì bị đuổi việc. Còn nữa là ở đây nghe nói rất nhiều giáo viên (Giống VN mình), nên việc đuổi người cũ tuyển người mới nghe lời hơn cực kì đơn giản. Lại có 1 câu chuyên nữa là nếu học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, không được thu điện thoại khi học sinh không muốn, vì thế là xâm phạm cá nhân bị kiện, nên nếu chúng nó dùng chỉ bảo cất đi nếu không chấp hành thì sẽ trừ điểm thi đua. Vì thế, mỗi khi tới trường là giáo viên áp lực rất nhiều phía.
Tuy nhiên, nhìn vế mặt tích cực thì họ cũng đúng, vì họ bỏ ra tiền để thuê người về dạy con họ mà, vì đó là nghề của họ nên áp lực cũng đúng. Về phần này mình rất đồng ý nếu cha mẹ ở Việt Nam quan tâm tới con họ như vậy, như vậy thì con họ sẽ được nhiều quyền lợi hơn và đáng đồng tiền của họ bỏ ra, và giáo viên họ có trach nhiệm hơn với công việc của họ.
Về phần xác định định hướng tương lai, sau này mình muốn, mình sẽ cho nó tập trung nhiều thời gian ở 1 thứ, thứ nhất giỏi về một thứ gì đó về âm nhạc: piano, ghi ta, sáo hay violon, nhảy nhót gì đó tùy nó chọn và thích. Sau đó định hướng xem nó thích gì, cố gắng đầu tư 1 ít cho nó để nó được thỏa sức vùng vẫy. Cho nó tham gia các khóa học ngoại khóa, phát triển bản thân. Cho nó uống nhiều sữa để nó cao to và đẹp da :)
"Team khỏe như trâu"
Nói chung là dù sao thì thấy giáo dục của họ phát triển 1 cách đáng khâm phục. Vẫn có 1 câu hỏi là tại sao VN ít khi có các cuộc trao đổi giáo dục mang tầm cỡ quốc tế, vì ngày nào cũng chỉ thấy chính trị, kinh tế và mở rộng mối quan hệ thôi, trong khi đó, cái rất cần cho con người đó là tri thức và giáo dục. Có bao giờ lại mở ra một cuộc trao đổi giáo dục mang tầm cỡ quốc tế, và cả toàn nước phải quan tâm, để có hi vọng học hỏi và thay đổi một các gì đó cho dù nó nhỏ, nhưng có chuyển mình cũng là một điều đáng tốt rồi.

Tuesday, January 12, 2016

Cái gọi là "đa văn hóa" có thực sự ý nghĩa?


"Bởi vì có hành tinh, mới có trái đất, rồi có thế giới, trong thế giới đó lại có các châu lục và vùng lãnh thổ, mỗi vùng lại có một nước, một nước lại có các tỉnh và thành phố. Và vì là đa dạng nên mỗi nước có mỗi nền kinh tế, vị thế và văn hóa khác nhau”. Và điểm khác biệt và tách biệt mỗi nước đó là văn hóa, và nhiều văn hóa thì gọi là “đa văn hóa”.
Trong ngôi nhà mình ở, có tầm khoảng hơn 30 người, đến từ các nước khác nhau, và đi từ ngôi nhà này thì có rất nhiều nền văn hóa khác nhau từ các nước trên thế giới và mỗi vùng, mỗi con người có cách nói chuyện, ứng xử, nấu nướng và cách sống khác nhau. Ngôi nhà mình ở có những nước như: Việt Nam (Tất nhiên), Ba Lan, Romania, Kenya, Mexico, Italia, Pháp, Philipin, Indonesia, Ấn Độ, Áo, Crossia, rồi nước gì gì Châu Phi nữa ý, Thổ Nhỉ Kì…
Mình cũng từng trải nghiệm 1 môi trường đa văn hóa như thế này ở căn nhà chung của VPV rồi, nhưng thực sự khác lắm, khác hẳn so với đây luôn, có thể do cơ chế của mỗi tổ chức nó khác. Trước khi đi, mình hi vọng và mong muốn được giao lưu văn hóa kiểu nhiều lắm, như kiểu: Nấu ăn cùng nhau, kể cho nhau nghe thực nhiều về văn hóa, cùng tìm hiểu rồi bên nhau khi có thời gian rảnh để văn hóa nó sắc màu hơn. Nhưng đến đây mới thấy so với kì vọng đó thì nó diễn ra quá ít. Kiểu dạng bạn chỉ hỏi được qua sơ sơ thôi, thủ đô là gì, ăn mặc truyền thống ra sao, đồ ăn có gì ngon và đặc sắc không? Như thế thì khó để hiểu sâu được vì tiếp xúc với nhau rất ít, có những người đến cả tuần rồi mà mới gặp họ lần đầu tiên.
Vấn đề có thể chúng tôi đang gặp phải ở đây là cách thức nói chuyện và hành động ở đây, chắc vì không quen hoặc chưa thích hợp được, cảm thấy nó khó gần với mọi người hơn, hoặc là có thể đang có rào cản gì đó ngăn cản để có thể chia sẻ được nhiều với nhau như ở nhà mình. Hoặc có thể là mới gặp, chưa biết nhau nên nó như thế.
Còn 1 vấn đề nữa, người ta nói rằng thường các nước châu á có cách sống tương tự nhau, ra biển lớn thì cần bảo vệ nhau mà sống. Nhưng 2 đứa lại gặp ngay 1 trường hợp oái ăm là có 1 chị từ nước A(Mình xin giấu tên nước đó), không hiểu vì sao mà từ ngay lần gặp đầu tiên đã có cái gì đó nó cách trở rồi.
Còn về mối quan hệ trong môi trường đa văn hóa này thì vẫn bình thường, vẫn hỏi han nhau các thứ. Mình hình như được may mắn hơn, ở với 2 anh, 1 anh từ Romania(B) và 1 anh từ nước gì gì ở bên Bắc Mĩ đó(C). Anh B thì kiểu dạng tốt tính và hiền lắm, gặp ai cũng giúp nhiệt tình, hỏi han các kiểu, nhưng cùng phòng nên anh ý cũng hay hỏi han, dành phần đồ ăn cho, như hôm nay thì pha trà cho nữa, được cái tốt tính nên anh gặp được chị người yêu xinh và đáng yêu lắm, cũng có thỉnh thoảng 2 anh em tâm sự với nhau, kể với nhau nghe theo dạng kiểu trao đổi văn hóa. Anh C thì hơi lạnh lùng, nhưng tốt lắm, chỉ bảo nhiệt tình, từ bus hay các công việc ở tổ chức, anh ý lúc nào cũng nhắc câu: “Nếu không biết gì cứ hỏi ngay, chứ đừng ngại hỏi, phải hỏi đấy nhé, vì không ai biết mày mắc ở đâu để anh chỉ đâu” (Tất nhiên là nói bằng tiếng Anh). Tới các hoạt động thì anh luôn là người lôi vào, rồi tạo cơ hội cho tham gia cùng. Còn lại người khác thì do mới quen nên nói chuyện theo kiểu hỏi nhau 1 tý, rồi hết chuyện chả còn gì để nói nữa. Con người là thế, người thế này người thế kia, có người gặp lần đầu là bắt được sóng nhau ngay, gặp nhau cái là túm tụm hỏi han, hét lên kiểu vui sướng, cũng có người mặt lạnh lùng ngay khi gặp nhau, nhưng sau đó xấn xấn lại nói chuyên thì lại mở lòng và nói chuyện một cách vui vẻ, lại có những người, gặp nhau nhiều nhưng khi nói chuyện lại có cái gì đó khoảng cách và khó nói.
Bên châu Âu người ta rất tôn trọng quyền riêng tư và đồ cá nhân của nhau. Vì thế bạn làm gì mà có liên quan tới họ thì phải hỏi trước tiên, phải xem ý kiến họ như thế nào thì mới được sử dụng hay không, chứ không có kiểu lấy dùng tùy tiện được, vì như thế họ rất khó chịu.
Một điểm đáng chê tại ngôi nhà này đó là mặc dù tiền ăn được cung cấp, nhưng mọi người phải tự nấu, vì thế cho nên tính liên kết với nhau không nhiều, vì thường khoảng giao tiếp và nói chuyện dễ dàng với nhau là khi cùng nhau ngồi trong bàn ăn nhai ngấu nghiến cũng nhau, thưởng thức vị thức ăn và cùng nhau hàn huyên mọi chuyện. Như thế thì gặp mặt nhau nhiều hơn, nói với nhau đều đều hơn. Chứ đồ ai người nấy nấu thì nấu lúc nào chả được. Hoặc có thể phong cách người châu Âu, họ không muốn nấu ăn và ngồi ăn cùng nhau :) (Không hẳn là thế, vì ở VPV áp dụng kiểu này, và rất hiệu quả trong việc tạo kết nối).
P/s: Bài này viết xong mình thấy nó lủng củng và linh tinh quá, nhưng có một số điểm đáng nói nên mình quyết định viết.

Sunday, January 10, 2016

Giao thông ở Ba Lan như nào?

Khi nhắc tới giao thông, thì giao thông không chỉ có Việt Nam mà một số nước Đông Nam Á mình có hỏi thăm và xét tình hình thì ra không chỉ ở nước mình có nhiều xe máy và tắc đường, ở nước họ vẫn có và giao thông nhìn kiểu kinh khủng và “điên rồ” như hằng ngày vẫn đang diễn ra. Có lần được 1 bạn Ấn Độ cho mình xem clip về giao thông nước họ, còn nhìn kinh khủng hơn, lái xe đi đường còn đùa giỡn mới người dân (Nhưng không biết đó có phải là thực tế ở nước họ không?). Và rồi đến đây đa số những con người đó, những đối tượng trên đều bị shock bởi văn hóa giao thông ở nơi đây - Ba Lan.
Đầu tiên là Bus/train: nếu bạn đi dịch vụ công cộng này, bạn sẽ rất tiện lợi vì có lịch trình, thời gian trên trang web của họ, bạn chỉ cần vào trang web đó, đặt điểm đi và điểm đến, ngay lập tức có 1 loạt lịch trình dành cho bạn thỏa thích lựa chọn theo khung thời gian bạn dự kiến đi, thời gian đến và cứ đến giờ ra đấy đứng hoặc ngồi chờ tùy điểm (Nó chỉ muộn 5-10 phút so với thời gian bạn đã xem và đa số là đúng giờ). Nếu bạn chắc chắn đi thì nhanh tay đặt vé online, lên tàu show ảnh ra sẽ rẻ hơn khi mua trực tuyến và đặt càng sớm thì vé sẽ càng rẻ, chứ không có giá cố định, giá cố định chỉ khi lên tàu mua thôi, vì thế vấn đề này rất tiện cho bạn nếu bạn có kế hoạch sớm. Tàu sẽ dừng cho đến khi người lên và xuống tất tần tật, ông phụ xe sẽ đi nhìn từ đầu đến cuối xem còn ai đang chạy lên tàu hay xem tình trạng xuống hết chưa, tuýt còi thì tàu mới được chạy. Còn bus thì bạn lên cửa trả tiền cũng được nhưng ngay tại của, hơi tốn thời gian chút. Có 1 điểm không hay ở đây so với bên mình đó là không có tài xế nhắc bạn là điểm đến tiếp theo là gì, bạn phải hỏi hoặc có biển thông báo điểm dừng tiếp theo (thường địa chỉ ở đây khó nhớ và đọc, nên đa số là đưa sổ ra, ghi ra từ trước và hỏi thôi).
Tiếp theo là xe máy: Hầu như không có :), chỉ có may lắm vài cái xe chở hàng hoặc giao đồ ăn, nhưng cực kì ít
Đến điều đang nói là ô tô: Mình bị ấn tượng lần đầu ra đường ở đây, khi bạn ra đường, nói đúng hơn là qua đường, nếu ở VN thì bạn nên tránh xa nó ra, nhưng ở đây thì khác, nếu họ nhìn thấy người đi bộ từ xa, họ sẽ phanh xe từ từ để xem tình hình của bạn như thế nào, có xe còn dừng hẳn lại chờ mình khi thấy mình đang lưỡng lự, vì thế khi nhìn thấy bạn qua đường an toàn rồi họ mới phóng xe đi, không biết là hầu hết ai cũng thế hay không, nhưng lần nào mình qua đường cũng thấy thế nên mình mới ấn tượng. Vì thế, giao thông ở đây mình đánh giá khá an toàn.
Đi bộ: Hệ thống đèn xanh và đỏ ở đây dừng khá lâu, nên qua đường có đèn thì bạn yên tâm. Và mọi người ở đây luôn tìm vạch trắng dành cho người đi bộ để đi, chứ không phải cứ thế băng qua linh tinh được, đèn chuyển màu thì mới qua đường
Hệ thống đường thì mình sống ở chỗ kiểu như làng quê nên đường ngoằn nghèo, từng khúc một, nhưng nếu đến đoạn này các xe thường còi từ xa, đi chậm và pha đèn nên chưa thấy va chạm nào xảy ra
Vì đường có tuyết nên khá trơn vì thế mùa tuyết phải đi rất chậm để nhìn đường và có độ bám tốt hơn.

Nói chung là giao thông khá ổn, nhưng ra đường ban đêm thì hơi sợ, chắc mình vẫn chưa quen. Tầm 6h tối trở đi, ra ngoài phải có nhiều người đi cùng mới dám đi :)

Friday, January 8, 2016

First Euroweek - Dự án Euroweek đầu tiên ở Ba Lan

Cái gì lần đầu cũng thế, thực sự rất bở ngỡ, mới mẻ nhưng lại học được rất nhiều điều từ cái bở ngỡ này. Vậy là 4 ngày của Euroweek đầu tiên đã kết thúc, kết thúc theo cách hôm nay đánh giá thì có những giọt nước mắt và những lời chào tạ biệt đầy tiếc nuối.
Ngày đầu của Euroweek thực sự thấy mình quá nhỏ bé, tự ti và không hề một chút năng lượng nào để tham gia cùng mọi người, nhìn các bạn khác thì tự tin, đầy năng động và họ có cái gì đó để làm, họ biết cái gì đó để làm. Còn mình đến chỉ ngồi nhìn nhìn, ghi chép, không có ai chỉ bảo gì, chỉ cứ thế mà ghi rồi tham gia mấy hoạt động cùng, lúc đấy cảm thấy nhớ VN vô cùng, nhớ một cách da diết mà muốn về để tận hưởng tại mảnh đất mà mình đã gắn bó hơn 20 năm qua. Kết thúc ngày đầu tiên đến gần 10hr tối, về tới phòng là hoa cả mắt lên, rồi toàn suy nghĩ tiêu cực trong đầu, bao nhiêu thứ cứ nghĩ theo hướng tiêu cực. Có một điều không phải các nước châu Á khi gặp nhau ở nước ngoài thì trở nên thân thiện và nói chuyện nhiều với nhau đâu, mà lại trái ngược lại mới bất ngờ chứ. Mình tỏ ra bình thường nhưng họ cứ cố tỏ ra điều gì đó "không bình thường" thì mình cũng đành chịu, nhưng mình cứ thoải mái, không làm ảnh hưởng gì nhau là được.
Tường chừng ngày thứ 2 vẫn là chuỗi ngày dài dằng dặc, ai ngờ ngày thứ 2 trôi qua với nhiều điều tuyệt vời và đầy mới mẻ. Chúng tôi được giới thiệu về Việt Nam, ờ thì thoạt nghe lúc đầu, đa số học sinh bên Ba Lan này trả lời là không biết Việt Nam là nước khỉ gió nào? nó nằm ở đâu? họ chỉ đoán mình là người Trung Quốc thôi, đến tận 101% người ở đây nói mình là người Trung Quốc nếu mình không tiết lộ đó là Việt Nam. Sau màn giới thiệu có thể nói là thành công thì cách nhìn của mọi người về Việt Nam rất khác, họ thấy hứng thú hơn, ánh mắt nhìn khác hẳn trước khi mình mới bắt đầu giới thiệu bản thân mình. Đặc biệt, họ rất thích trang phục truyền thống của Việt Nam, xong còn lấy mặc và thi nhau chụp ảnh (Nếu lần sau có ai ra nước ngoài, thì nên mang đồ truyền thống "Áo Dài"Việt Nam đi, kể cả nam hay nữ). Đến tối thì được tâm sự cùng với học sinh ở đây, lúc đầu chẳng biết hỏi gì, toàn học sinh hỏi mình, nhưng sau đó thì cứ hỏi qua lại, cảm thấy nước mình được quan tâm. Mình mang theo 1 cuốn sổ, nên ngồi vẽ Việt Nam cho chúng nó xem, show một số tấm hình và giới thiệu thêm nữa, rồi nói một ít về bản thân, sở thích các kiểu mang mọi người lại gần nhau hơn.
Ngày thứ 3 háo hức đi tour cùng với đoàn lắm, nghe nói là đi Vienna thì cũng tưởng là đâu đó trong Ba Lan, ai ngờ đến nơi mới phát hiện ra đó là thành phố của Áo, thật bất ngờ, nghĩ trong đầu "Bọn này chơi V~" :). Áo thì cảnh đẹp vô cùng, đẹp một cách hiện đại, lại còn rất giàu nữa. Đi đâu cũng là cao tầng san sát nhau, đường phố thì nhìn tráng lệ, quán xá, cửa hàng lung linh, giao thông toàn xe ô tô, tàu, bus, người đi bộ tấp nập, không hề thấy tắc đường mặc dù thành phố rất lớn, nhận thấy được cuộc sống vô cùng “cao sang” nơi đây. Nhưng có một điều đi và về trong một ngày, lại đi bộ nhiều nên mệt rã rời.
Một trong số bảo tàng ở Áo

Ngày cuối cùng mới làm cho Euroweek trở nên ý nghĩa và đáng nhớ, cùng nhau ra công viên, leo lên rừng để chơi và học, rồi đi bộ hàng giờ cùng nhau. Đến tối về thì làm tiệc chia tay chia chân các kiểu, cho nhau những cái ôm rất chặt và rất lâu, dành cho nhau những món quà, lời chúc tỉ tê, lời tạm biệt tiếc nuối, cùng nhau chụp những bức ảnh đầy ý nghĩa. 4 ngày thì ngày ý nghĩa và đáng nhớ nhất là lúc đó.  
Kết thúc Euroweek đầu tiên, thì sẽ tiếp tục các Euroweek khác nữa. Hi vọng rằng các lần sau mình sẽ chủ động và sẽ biết nhiều thứ hơn, mở lòng hơn và nói chuyện nhiều hơn nữa để 6 tháng tới không phải tiếc nuối và ngồi tỉ tê than thở như thế này.
Cảm ơn Euroweek đầu tiên - cảm ơn trường Sopot… (không nhớ tên 3 trường còn lại). Cảm ơn các anh chị, bạn bè đã cho những lời khuyên, lời dặn dò những ngày cuối của Euroweek đầu tiên. Cảm ơn 2 anh cùng phòng đã hướng dẫn nhiệt tình.

Wednesday, January 6, 2016

Nói về vấn đề giáo dục? (1)

Đây là bài viết không phải để đánh giá nền giáo dục nước nhà tốt hay không, có phù hợp với thời đại hay không, hay đại loại là tiên tiến hay không. Mà bài viết này chỉ là cách nhìn của bản thân mình sau 16 năm (tính cả 4 năm đại học) học tập tại nền giáo dục nước nhà.
Lần đầu tiên tới ra ngoài nước, sang học tập, làm việc và tiếp xúc với nền giáo dục ở Châu Âu, cụ thể là Ba Lan. Thực sự nó cho mình được mở mang đầu óc và học hỏi được rất nhiều điều ở đây. Đây là một chương trình do tổ chức phi chính phủ thực hiện, mình chưa bao giờ thấy cách giáo dục trẻ em ở đâu lại hay như thế này, có thể chỗ khác có nhiều cái hay hơn, nhưng hiện tại mình đang trải nghiệm một cách giáo dục trẻ em tốt nhất. Mình cũng từng có tham gia một số hoạt động giáo dục của phi chính phủ ở Việt Nam, có một số điểm nhấn chuyển mình, nhưng chưa thực sự hiệu quả và làm cho học sinh thay đổi cách suy nghĩ về việc học hơn. Quay sang nền giáo dục ở Ba Lan, có thể ở lớp như nào thì mình không biết, học sinh có thể hứng thú học hay không thì mình không quan tâm. Nhưng thực sự, ở đây họ đầu tư cho giáo dục, các trường kết hợp với một số tổ chức phi chính phủ, cho học sinh của họ học và trải nghiệm tại một môi trường thực tế và đa văn hóa. Và học sinh ở đây họ học như thế nào?
Bản thân lần đầu tiếp xúc với cách truyền đạt này cũng thấy làm lạ, nhưng lại rất hứng khởi và thấy khá là thú vị, mình có thể cóp nhặt một ít, sau này có thể áp dụng và ứng dụng cho lớp học của mình (Để nói thay đổi cả 1 nền giáo dục bền vừng hàng chục thế kỉ qua thì không hề dễ, không phải do 1 người, 1 trường mà phải là tất cả mọi người, tất cả toàn hệ thống giáo dục).
Có một số điều bản thân nhận ra rất rõ ở ngay tại học sinh và nền giáo dục nơi đây như sau:
Thứ nhất, đa số học sinh Ba Lan cực kì tự tin, năng động và chủ động. Họ tự tin thể hiện cá tính bản lĩnh của họ, tự tin đưa ra ý kiến của mình, tự tin khi làm thứ gì đó trước đám đông, tự tin không sợ sai, có thể tự tin trong mọi tình huống, nhưng nhìn lại đối với bản thân mình thì sao, 22 tuổi, từng học 16 năm học, nhưng có những lúc vẫn cảm thấy tự ti và ngại nói trước đám đông trong những lần gặp đầu tiên, phải mất một thời gian làm quen rồi mới cất cao được tiếng nói và tự tin để giao tiếp và “trưng” bản thân mình ra. Chúng vô cùng năng động và chủ động, ví như có gì không biết thì sẽ chạy lên hỏi ngay và không hề ngại suy nghĩ là câu hỏi đó có hợp lí hay không? hay là có ngu ngốc hay không? Còn ở nước mình, có mấy học sinh sẽ tự mình đi hỏi hay giơ tay lên để hỏi vấn đề mà bản thân cảm thấy chưa rõ, có thể sẽ sợ giáo viên hỏi lại thứ gì đó bản thân không biết rồi ngại hỏi nên thôi.
"Học sinh đang tự giới thiệu mình trước mọi người"
Thứ hai, học sinh ở đây được học Tiếng Anh rất nhiều, họ xem Tiếng Anh là một phần, là chìa khóa quan trọng trong giao tiếp của thời hội nhập. Họ tạo ra sân chơi, môi trường và cách học Tiếng Anh rất sáng tạo (Cho học sinh tự tìm hiểu, làm việc theo nhóm, thảo luận, chơi trò chơi liên quan, nghe nhạc, kể chuyện, đóng phim…) tất cả đều bằng Tiếng Anh, học sinh ở đây họ có quyền thể hiện bản thân mình tốt nhất có thể. Có một số trẻ em ở đây, Tiếng Anh có khi tốt hơn ngay cả mình và một số tình nguyện viên khác mặc dù chúng chỉ mới 14-15 tuổi. Như học sinh ở chỗ mình, có thể chừng ấy tuổi, vốn từ có, ngữ pháp tốt, nhưng vấn đề giao tiếp bằng Tiếng Anh thì sẽ ra sao? Vì thế, trong thời buổi hội nhập, học và nói Tiếng Anh nhiều chinh là cách tốt nhất, cách tối ưu nhất để “giao tiếp” với thế giới bên ngoài.
Bức ảnh vẽ mình trong một hoạt động
Thứ ba, cách giáo dục ở đây vô cùng mở và hữu ích, áp dụng ngay vào cuộc sống hằng ngày, họ còn áp dụng cả cách dạy trẻ em về cách kiếm sống, kinh tế… Học sinh ở đây luôn có chủ đề, tự nghĩ và làm việc theo nhóm để vạch ra ý tưởng của họ, nêu lên suy nghĩ của họ, có thể vẫn theo sách nhưng theo hướng mở hơn nhiều, như thế thì chúng sẽ ít gò bó hơn và sẽ tự tin nêu ra ý tưởng của bản thân mình. Ở đây họ dạy trẻ em về kinh tế ngay từ bé, chứ không phải như ở VN mình, học về kinh tế chỉ có lên đại học rồi mới học được và có cơ hội học. Học về kinh tế nhưng rất thiết thực, như trong chương trình mình tham gia, họ cho học sinh thảo luận về chủ đề “Commercial ads” - Cho học sinh từng loại sản phẩm, học sinh tự tìm hiểu cách làm sao quảng bá sản phẩm đó thu hút và làm nổi bật sản phẩm nhất, và tất nhiên là họ phải đóng kịch, diễn giống như một MV quảng cáo. Đó là cách làm chúng chủ động, tự tin hơn và biết cách làm việc nhóm cùng nhau. Giống như chiều nay, có 1 hoạt động làm mình thực sự bất ngờ về trẻ em và nền giáo dục ở đây, chúng tôi cho học sinh 1 nhiệm vụ làm 1 bộ phim các thể loại trong vòng 30p, không ngờ sau 30p chúng đã hoàn thành 8 bộ phim với chủ đề, nội dung và cách thức khác nhau với hiệu ứng, âm thanh, ánh sáng, cắt ghép một cách đáng nể phục. Nếu, nêu trong trường hợp này, đối với 1 nhóm sinh viên đại học Việt Nam, liệu có nhiều sinh viên có thể làm được việc này trong vòng 30p không để hoàn thành 1 clip hoàn chỉnh từ 3-5p. Đến đây thì mình nghĩ, do họ cho học sinh tiếp xúc với máy tính, điện thoại nhiều nên chúng biết, nhưng nghĩ lại Việt Nam mình về vấn đề này đâu có thua kém, học sinh cấp 2 đã dùng mạng, máy tính, điện thoại rất rành rồi. Nhưng thường dùng để làm gì mới là điều để đáng nói?
Có 1 điểm mà mình có dò xét các bạn học sinh ở đây đó là thính thoảng chúng cũng cảm thấy buồn ngủ khi ngồi trên lớp, nhưng các hoạt động khác xen lẫn thì làm chúng cảm thấy đỡ chán hơn, giống như là các hoạt động ngoại khóa như chúng đang tham gia, các em có thể thoát khỏi máy tính, gia đình, các con chữ phải nhớ, các con số phải tính và tự học và thu thập theo những gì mình biết,nói đến đây hi vọng rằng giáo giục Việt Nam nên có nhiều hoạt động ngoại khóa như thế này để tăng khả năng tự tìm hiểu và chủ động trong việc học hơn đối với học sinh.
Thứ 4 nói về giáo viên, giáo viên ở đây đối với con mắt mình “vô cùng cực kì thân thiện và gần gũi với học sinh”, có bao giờ bạn thấy giáo viên ở Việt Nam ở trường cấp 1-2-3 cùng nhau chơi 1 trò chơi như ném bóng, hay chơi đùa cùng nhau chưa? Thực sự, dù ở VN bạn có thân và quý và thân với 1 giáo viên cỡ nào đi nữa, thì bạn cũng vẫn giữ một khoảng cách rất an toàn và “vô cùng” kính trọng, không bao giờ có chuyện chơi hay nói đùa theo kiểu bạn bè với nhau. Nhưng ở đây, ngay tại Ba Lan, mình đã tận mắt chứng kiến điều đó đấy. Giáo viên với học sinh cùng đuổi nhau quanh sân, ném tuyết nhau, ném một cách thật sự như những người bạn ấy, rồi cô nhảy cùng học sinh, làm trò với học sinh, nhưng miễn là làm những việc tốt cho chúng là được thì giáo viên sẵn sàng tham gia. Có giáo viên đã già rồi, vẫn chơi trò đuổi bắt và rượt tuyết cùng học sinh nữa. Như thế chắc hẳn khi chia sẽ về khó khăn hay cuộc sống nó sẽ dễ dàng hơn.

Chắc hẳn sẽ có nhiều điều mới mẻ mà mình chưa nhận ra được, nhưng rồi mình sẽ tìm hiểu dần và cập nhật thêm. Hi vọng các bạn sẽ tìm được một số điều khác biệt và áp dụng cho em mình, cháu mình có thể là học sinh của mình.

Saturday, January 2, 2016

ĐIỂM LẠI MỤC TIÊU 2015

Cứ kết thúc mỗi năm, mình điểm lại các mục tiêu mà mình đưa ra từ năm trước, mỗi mục tiêu mình đều vạch ra, có mục tiêu cụ thể, mục tiêu chung chung, nhưng cứ cuối mỗi lần mình sẽ review lại xem mục tiêu của mình thực hiện như thế nào, được bao nhiêu phần trăm và mình có thực sự theo đuổi mục tiêu đó không. Vì là tân sinh viên, nên mục tiêu mình đặt ra chủ yếu tập trung về việc kiếm sống và việc làm, còn mục tiêu về tình bạn và tình yêu thì nó nằm ở ngay bên trong, nên mình không đặt ra làm gì. Chả nhẽ mình đặt ra năm ay mình kiếm được mấy đứa bạn, thân với mấy đứa, ghét bao nhiêu? rồi mình yêu mấy người, yêu trong bao lâu? :)

1. Vẫn tham gia các hoạt động tình nguyện tích cực, và hăng say. Mục tiêu lần này của mình là lead tốt nhóm MTT GVD 2015. Mục tiêu đặt ra cho cả nhóm là kêu gọi NTT được trên 20 triệu. Nhưng thực ra con số vượt rất nhiều so với mức mình đặt ra.
Nhóm MTT - Và một số bạn TNV trong GVD 2015
Tổng tiền nhóm kêu gọi được 35 triệu tiền mặt 50 triệu tiền đồ uống, 5 triệu tiền bánh, các voucher quà tặng khác thì không tính đến. Khi đặt ra mục tiêu này mình cũng sợ rằng khó thực hiện được, vì mình lo lắm, GVD không phải giống như các ctr từ thiện khác, mà nó là một sự kiện để gây quỹ, nó không trực tiếp fund quỹ như các ctr thường xuyên làm. Nhưng may mắn thay, mình gặp được những con người nhiệt huyết, giỏi giang trong đội, họ rất trẻ, tận tâm và có trách nhiệm với công việc. Mặc dù xung đột nhưng rồi cũng ổn thỏa cả khi làm việc cùng nhau. Đánh giá điểm: 10/10


2. Học bổng kì 2 của năm cuối trượt, cũng đúng vì mình đã dành tâm huyết cho GVD rất nhiều, thời gian ôn ít. Mục tiêu này đặt ra để mình chú tâm học 1 tý, nhưng mình không hi vọng nhiều ở nó. Nhưng may sao kết quả vẫn khá chứ không đến nỗi thấp. Hình như kì đó được trên 3.0. Đánh giá điểm: 7/10
Ảnh tốt nghiệp khoa N VCU 2015

3. Công việc mình hướng tới không rõ là gì, nhưng mức lương >5.5. Một khởi đầu khá hoàn hảo khi mức lương thử việc của mình là như thế, nhưng sau một thời gian, mức lương cũng vượt lên trên con số đó.
CBNV Nibelc JSC
Đánh giá điểm: 8/10 (mình cho 8 điểm, bởi vì vẫn chưa xứng đáng và đáp ứng với nguyện vọng của mình khi làm việc thực sự).













4. Có thêm việc phụ, tạo niềm vui và mong muốn từ khi còn đang đi học. Đó là việc có 1 trung tâm tiếng anh nho nhỏ, mở một số lớp be bé, dạy tiếng anh cho tất cả mọi người. Mình muốn mọi người ở quê không thiệt thòi về việc học tiếng anh so với thành phố, vì thế mà học phí mình lấy rất rẻ, có những học sinh mình miễn phí cho họ, còn lớp học thì mình dành tâm huyết để dạy, để làm sao tạo hứng thú và thú vị cho các bạn học tiếng anh. Mình luôn dạy quá giờ, tìm các clip hoặc bài hát, trò chơi thú vị để thêm phần hấp dẫn cho bài giảng, đầu tư trang thiết bị hỗ trợ giản dạy như (bảng, máy chiếu, máy in...). Việc giảng dạy chưa phải là mục đích kiếm tiền chính của mình, nhưng mình đã tìm thấy được niềm vui thực sự. Vui mỗi khi học viên có khen, động viên chút ít, vui khi học sinh hiểu bài thực sự, vui khi họ có hứng thú để học với mình. Đánh giá điểm: 8/10 (vì mình thấy mình còn non yếu, thời gian dạy chưa nhiều và chưa thực sự có giáo trình chính thức, nên việc dạy còn chạy theo sườn của sách nhiều).
Buổi dạy hôm khai giảng lần đầu

Đến đây thì không nhớ mục tiêu của mình thêm là gì nữa, chỉ nhớ mấy cái nổi bật như thế thôi. Còn nhìn nhận lại bản thân thì thấy bản thân mình vẫn đang có suy nghĩ trẻ con, vẫn chưa thực sự trưởng thành được. Nhiều khi làm việc hay theo cảm xúc suy nghĩ quá bồng bột. Nhưng so với hồi sinh viên thì nghĩ thoáng hơn, có chí hơn, làm việc chuyên nghiệp và cẩn thận hơn so với trước đây.
Nhưng để bản thân phát triển hơn chắc chắn sẽ phải thay đổi
Một mục tiêu và điểm đến mình chưa bao giờ đặt vào năm 2015 đó là lựa chọn sang học và trao đổi tại mảnh đất Ba Lan, quá bất ngờ cho việc này. Mình đành dành điểm cho nó sang năm 2016 vậy
Một góc nhà mình sống

Điểm cho cả năm: 8,25


Những ngày đầu ở Ba Lan

Cuối cùng thì hành trình đến với Ba Lan cũng đã kết thúc sau chuyến đi kéo dài hơn 30hr để có mặt tại chỗ ở - Ngôi nhà EFM. Hành trình lần này được Hãng hàng không Quatar Airline vận chuyển một cách em đẹp, transit đúng giờ và thoải mái, hành lí không mất, cách phục vụ nhiệt tình và chuyên nghiệp (20s dành cho quảng cáo). Nhưng dịch vụ thực sự chuyên nghiệp thật - ai đi nước ngoài xa thì nên chọn hãng bay này, vì mình thấy, tiếp viên phục vụ nhiệt tình và thời gian đáp và bay khá là đúng giờ.
Chuyến bay đến Vác Sa Va không có vấn đề gì vì hãng bay quá tốt rồi, nhưng điều đáng nói ở đây là khi đến tận mảnh đất Ba Lan, không biết làm sao để đến được điểm đến, bởi vì mình chưa có bao giờ liên hệ với ai cả, chỉ nhận được địa chỉ và điểm dừng cần đến. Sang đây lạ lắm, bus và tàu không phải như bên mình, qua mua vé là đi được. Ở sân bay, hệ thống vé tự động và bạn phải mua qua máy. Mà có bao giờ mua đâu, còn điểm hướng dẫn đang nghỉ lễ nên nghỉ không phục vụ, 2 đứa 2 vali to đùng vác đi vác lại mấy vòng để hỏi nhưng bất lực, người thì đang mệt rã rời sau hành trình 20hr bay.
Hình ảnh đầu tiên về Ba Lan - Trên chuyến tàu

Rồi không biết mình chọn tuyến nào để đi, vì điểm đến được cho lại không có trong list của họ cho mình, thế rồi 2 đứa cứ vào mạng mò đường, may mà cái Phương nó nhanh nhẹn nên chọn điểm đến gần đó nhất rồi hỏi điểm tàu tiếp. Sau ba chặng, đầu tiên qua Warsawa Central (sang đây để tìm điểm tiếp). Sau đó, xem địa điểm để đến Wrolaw, 2 đứa nhận ra là nhìn nhầm chiều, nên đành phải chờ gần 3hr để đi chuyến tiếp theo. Lên trên tàu, hỏi thì mới phát hiện ra vé mình mua chỉ được đi trong thủ đô Warsawa thôi, nên lúc đó 2 đứa cuống lắm, may bên này còn có dịch vụ mua vé tại chỗ, nên mua trên tàu rồi đến được Wrolaw, trên chuyến tàu định mệnh này gặp được 3 cu 95, độ cute và tốt bụng thì phải nói là hiếm có.
Bánh đặc sản Ba Lan (theo lời 3 cu)
Trên chuyến tàu này xảy ra 1 vụ "giao lưu văn hóa" giữa Việt Nam và Ba Lan :). Sau một hồi tỉ tê nói chuyện, thì 3 cu dẫn 2 đứa đi mua vé tàu đi tiếp, nhưng trước khi đi, mời 2 đứa ăn món bánh gì không nhớ tên (đặc sản của Ba Lan). Rồi cho nhau những cái ôm ấm áp để chia tay nhau (ấn tượng đầu tiên về con người Ba Lan quá ư là hoàn hảo, quá thân thiện và tốt bụng). Điểm nổi bật ở họ là giúp đỡ 1 cách nhiệt tình, đa số ai cũng biết Tiếng Anh, cảm thấy vui quá, vì mình dễ dàng hỏi han và giao tiếp.
3 cu cute và chúng tôi
Chuyến tàu tiếp theo đến Drugologe Droj, trên tàu có nhiều toa, tự nhiên 2 đứa lại chui vào 1 định mệnh tiếp theo, định mệnh lần này là giữa ICYE Việt Nam và ICYE Đức, gặp được cô này 40 tuổi, làm việc cho ICYE Đức, 2 tiếng đầu ngồi im lặng, không hề có sợi dây kết nối nào. Nhưng rồi khi hỏi đường, tự dưng lại có những câu hỏi han qua lại kiểu xã giao, rồi tự nhiên không biết hints nào mà dẫn tới cuộc nói chuyện thành 1 sợi dây cột cùng nhau. Thì ra, giữa cả 3 (Mình ,Phương và cô ấy) có chung một chí hướng, kể cho nhau nghe các công việc trước đây, công việc làm ở tổ chức, rồi hỏi han nhau, tự dưng ai nấy cũng hét rồ lên như kiểu tìm được nhau sau bao ngày ngóng trông chờ đợi, để chờ đến ngày cảm xúc bục phát nữa thôi. Như kiểu quen nhau từ trước, rồi khi chia tay nói những lời bịn rịn, cho nhau những cái ôm ấm áp, vẫy những ngón tay lưu luyến. Xuống tàu vẫn ngồi tiêc vì sao không hỏi han nhau sớm hơn, để biết nhau lâu hơn, nói chuyện nhiều hơn thì hay hơn biết bao? Nhưng như thế cũng gọi là may mắn và định mệnh không vụt bay rồi. May mắn thay, ông cụ nhìn vô cùng đẹp lão và phúc hậu, ông không biết Tiếng Anh, nhưng đưa cuốn sổ ra chỉ địa chỉ thì ra nhà ông ngay ở gần đấy, lúc đấy 2 đứa nhìn nhau và thì thầm "Do mình ăn ở tốt đó mi". Thế là được dẫn tới tận khách sạn luôn, chứ nếu mà 2 đứa thì không dám đi qua 1 khu rừng âm u, tối tăm thế đâu.
Đáp đến địa điểm an toàn và thành công, về tới nhà thì gặp được các anh chị rất tốt, nói chuyện thân mật, chỉ dẫn cho chi tiết, nhắc nhở nhau và trở nên nói chuyện với nhau một cách dễ dàng. Đêm đó gần giao thừa, kéo giường lại gần nhau, bật 1 bộ phim không nhớ tên, quấn chân cùng và rồi cùng nhau xem. Vì mệt quá, nên đang xem phim mình ngủ lúc nào không biết, chỉ nhớ lúc gần đến giao thừa mọi người gọi dậy, nghe thấy tiếng pháo hoa và nâng ly rượu vang cùng nhau "Happy new year" thôi. Đó là cách để kết thúc 1 ngày đặc biệt và dài, vì thế mới có câu "Lúc khó khăn và bối rối nhất, ta mới nhận ra điều đặc biệt).
Trên đường ra bắt tàu

Sáng hôm sau - Ngày đầu tiên của năm 2016 ở Ba Lan bắt đầu tuyết dày đặc, được bác Coordinator ở đây dẫn tới ăn sáng và giới thiệu khách sạn - nơi diễn ra dự án chính, dắt đi dạo quanh khu, ngắm tuyết, chụp ảnh và sau đó quay trở về. Lần đầu ngắm tuyết thực sự rất thú vị và tuyệt vời, thực sự là cảnh đẹp muốn hốt hết về Việt Nam ngay. Ba Lan có cái gì đó tiềm ẩn, cổ kính và đẹp lắm, đẹp một cách thầm lặng, mộc mạc chứ không phải kiểu sôi động và mãnh liệt như những nơi khác.
một góc Ba Lan

Sang đây 3 ngày, nhưng do thời tiết khác, thay đổi nên có hơi ốm tý, nhưng hiện giờ đang viết thì đỡ hơn nhiều rồi, hi vọng thơi gian tới sẽ có nhiều "định mệnh" xảy ra như thế này và có nhiều chuyện thú vị xảy ra hơn nữa. Có nhiều lúc nghĩ rằng, nếu mình không chịu hi sinh thì khó có thể được cảm nhận và trải qua những cảm xúc như thế này được